Khi còn ít tuổi thì cơ bản chúng ta đều máu chiến và ham học hỏi như nhau, việc gì cũng không ngại, tuy nhiên khi nhiều tuổi hơn, có những thứ tăng, có những thứ giảm dẫn đến có những sự phân hoá nhất định giữa những nhóm người trong doanh nghiệp, nhưng dù đó là ai, nhóm người nào, tích cực hay tiêu cực thì cũng đều tạo ra giá trị cho doanh nghiệp và cũng khiến doanh nghiệp gặp những khó khăn nhất định trong công tác quản lý. Theo kinh nghiệm của mình thì các anh em sẽ rơi vào các nhóm như thế này:
1. Người gánh team: Đây là những người rất tích cực, không ngại bất cứ việc gì, dự án nào, và đến đâu anh em cũng sẽ làm tốt hơn cả kỳ vọng. Một doanh nghiệp mạnh là doanh nghiệp có tối thiểu 20% để gồng gánh 80% còn lại. Tuy nhiên theo 1 cách tự nhiên thì những anh em này cũng có cá tính nhất định, có được quyền lực mềm, khả năng thu hút và lãnh đạo đội nhóm. Chính vì vậy mà nếu gặp sếp có EQ cao thì sẽ được trọng dụng, còn sếp có EQ thấp thì chưa chắc đã hợp và hậu quả là những xung đột xuất hiện nhiều trong doanh nghiệp. Và nếu anh em nghỉ việc thì cũng tạo ra khoảng trống lớn trong doanh nghiệp thậm chí là lôi kéo rất nhiều anh em khác nghỉ việc theo.
2. Gia đình có điều kiện: Đây là những anh em thuộc tầng lớp có điều kiện hoặc anh em đã có cuộc sống yên bình rồi. Anh em làm việc đều đều, ổn định và chính xác. Nếu người khác nhìn vào thì có thể thấy anh em khá đủng đỉnh và có chút so sánh, tuy nhiên doanh nghiệp thì rất cần có sự ổn định này để duy trì. Và ngay cả khi anh em nghỉ việc thì cũng sẽ không gây tác động lớn. Tuy nhiên, có quá nhiều người thế này sẽ làm giảm sức sáng tạo của doanh nghiệp.
3. Chuyên gia tài chính hay trader: Là những anh em dành không ít thời gian cho các hoạt động tài chính của cá nhân thay vì làm việc, tuy nhiên khi được giao việc thì anh em cũng mau mau chóng chóng làm xong việc để trở lại công việc cá nhân. Ưu điểm là công việc anh em hoàn thành nhanh, tuy nhiên có thể để lại nhiều lỗi, thỉnh thoảng anh em lại biến mất khó liên lạc. Hậu quả để lại là dự án thiếu tính ổn định và gia tăng sự bất bình trong đội nhóm.
4. Người thích chính trị và quyền lực: Là các anh em thích có 1 vị trí nhất định trong công ty, thích quan tâm đến cơ cấu tổ chức của công ty. Các anh em tích cực thì sẽ làm việc thật tốt để nhận được sự tin tưởng của cấp trên từ đó có được vị trí, còn các anh em tiêu cực thì nếu không đạt được mục đích thì thường tạo ra các nhóm, tin đồn để lôi kéo những người có cùng quan điểm hay sự bất mãn với mình, điều này gây ra những rắc rối không nhỏ cho doanh nghiệp.
5. Bóng ma công sở: Là những người không có nhiều động lực để làm việc, họ đến công ty có việc gì thì làm không thì thôi, có những người ít nói và cũng những người thích bàn luận. Doanh nghiệp cần những người này để làm những công việc buồn tẻ mà những người khác bỏ lại. Tuy nhiên hậu quả là doanh nghiệp phải gồng gánh những người này và thỉnh thoảng nó cũng tạo ra những mâu thuẫn nhất định giữa những người làm ít và làm nhiều.
6. Người không hài lòng: Đây là nhóm người tương đối khó hiểu, luôn đi ngược lại ý kiến của người khác, dù doanh nghiệp hay ai có làm gì, có thay đổi thế nào thì anh em cũng không thấy hài lòng. Mặc dù có thiên hướng tiêu cực, nhưng những anh em này cũng rất cần thiết, để lãnh đạo hay bất cứ ai đều luôn nhận được ý kiến phản biện để hoàn thiện hơn. Tuy nhiên nếu rơi vào trường hợp những người EQ thấp thì thật là thảm hoạ.
Nhìn chung, con người là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp, càng nhiều người làm việc chăm chỉ, sáng tạo thì doanh nghiệp sẽ càng lớn mạnh. Tuy nhiên mỗi người đểu có năng lực, tích cách, toan tính riêng, vậy nên doanh nghiệp cũng luôn cần đánh giá công bằng, khách quan và truyền thông nội bộ thường xuyên, định kỳ để các thông tin đến với từng người được chính xác, từ đó làm gia tăng sự tích cực và ngăn chặn những thông tin tiêu cực trước khi nó làm huỷ hoại doanh nghiệp. Liệu mình có bỏ sót nhóm người nào nữa không anh em nhỉ? Cám ơn anh em đã đọc đến đây nhé.