Tiếp tục là 1 câu hỏi rất thực tế của anh em. Tuy nhiên để cá nhân mình cũng chỉ là 1 hạt cát, 1 con ếch ngồi đáy giếng mà thôi, nên mình sẽ chỉ dám đứng trên phương diện của một người làm kỹ thuật để đánh giá thôi nhé.
Câu trả lời của mình là rất rất khó. Chưa dám đi sâu vào lĩnh vực kinh doanh. Chỉ riêng việc phát triển đội ngũ Dev 10 người có chất lượng (khoảng 3 client, 3 server, 1 DevOps), thêm khoảng 2 designer, 1 quản lý dự án hoặc product owner thôi thì 1 năm đã có thể bay khoảng 10 tỉ rồi, tính cả đội marketing nữa thì chắc còn tốn nhiều hơn nữa. Trong khi đó để lọt vào top 1% người giàu nhất Việt Nam trong năm 2021 chỉ cần có 814.776 USD (tương đương hơn 18,5 tỷ đồng), liệu rằng có ai dám bỏ tiền vào 1 dự án đầy rủi ro để rồi có khả năng bay ra khỏi top 1% những người giàu nhất Việt Nam? Chắc chắn là rất rất ít.
Tiếp theo nữa là mặc dù có đến 430,000 nhà phát triển game ở Việt Nam, tuy nhiên do nhiều nguyên do mà đa phần các game chủ yếu là offline và casual. Nó dẫn đến hậu quả là, khi cần làm 1 dự án có độ khó cao như Metaverse, yêu cầu xử lý các kỹ thuật phức tạp của cả server lẫn client và DevOps sẽ rất mất thời gian, có thể phải mất vài năm để đội ngũ mới có thể tạo ra một sản phẩm chạy tốt và ổn định được.
Việc quá quen với CRUD hay web development cũng đã làm mai một đi rất nhiều các khả năng khác của anh em. Vậy cho nên khi đi vào các dự án realtime, đặc biệt các dự án game hay multiplayer thế này sẽ là thách thức cực lớn. Chẳng thế mà vẫn còn rất ít studio dám đầu tư và chuyển qua làm realtime mặc dù biết thừa nó đang là xu thế.
Mình cũng đã phỏng vấn 1 vài nhà phát triển game ở Việt Nam, có vẻ Dev đã khó kiếm rồi thì Designer mà có thể tạo ra những sản phẩm chất như nước cất còn khó khăn gấp vạn, rất nhiều anh em có hoài bão, tuy nhiên nhân sự không có thì thôi lại phải trở về đi clone game và kiếm sống qua ngày.
Rồi đến hạ tầng, thiết bị nữa thì sao? Rõ ràng là chúng ta cũng cần phải chuẩn bị server, thiết bị test. Nếu phải mua kính thực tế ảo thì đó là sẽ là bài toán khó cho người dùng đặc biệt là những người dùng trong nước.
Rõ ràng là qua một số phân tích đơn giản anh em đều có thể thấy được mấy vấn đề lớn: chi phí phát triển, công nghệ, con người và thị trường người dùng là 4 vấn đề nan giải không thể nào giải quyết trong 1 sớm 1 chiều được. Vậy nên mình hy vọng sẽ có nhiều nhóm giống như youngmonkeys dám bỏ công sức, trí tuệ của mình ra để nghiên cứu, chia sẻ từ đó giúp ích cho thị trường phát triển hơn. Và đừng quên rằng chúng ta có thể hợp tác với nhau để tránh tạo lại chiếc bánh xe và cùng đi nhanh hơn.
Mình cũng hy vọng rằng các nhà đầu tư có đủ khôn ngoan để nhận ra các dự án đào lửa, là gùa để tránh bị mất tiền nhé. Bánh vẽ có thể ăn được chỉ tiếc là càng ăn càng đói mà thôi. Cám ơn anh em đã theo dõi đến đây nhé.