Năm mới và mình cũng muốn viết về một nghề khá mới đó chính là Product Owner, là cầu nối giữa những người làm kỹ thuật và những người sử dụng hệ thống công nghệ thông tin.
Trong năm vừa rồi mình đã tư vấn cho 5 đơn vị muốn chuyển đổi số, và mình nhận ra rằng câu chuyện ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ đơn thuần là đi thuê 1 đơn vị làm ra một cái website hay một hệ thống với hàng trăm, hàng nghìn tính năng, mà câu chuyện ở đây là phải tạo ra một thứ mà trước tiền nó có thể sử dụng được, và đáp ứng được đúng nhu cầu của người sử dụng trước đã.
Một người làm kinh doanh, làm giáo viên hay chủ doanh nghiệp, họ không thể hiểu rõ được lập trình nó là cái gì, tại sao chỉ là một cái website đơn giản mà đi thuê bao nhiêu lần vẫn thất bại và cuối cùng chỉ nhận được sự thất vọng và hoài nghi. Có những người thậm chí còn mất cả mối quan hệ bạn bè, đối tác cũng chỉ vì "có mỗi cái việc đơn giản đó thôi mà làm mãi không xong".
Chính vì vậy mà những tư vấn năm vừa rồi đã thực sự tạo ra được giá trị để phân tích cho các đơn vị hiểu được nguyên nhân gốc rễ vấn đề ở đâu, và cùng với đó mình cũng giới thiệu cho các đơn vị một vị trí hoàn toàn mới đó là Product Owner.
 
Có một điều đặc biệt trong ngành công nghệ đó là cứ sau 36 tháng thị lại có một thứ gì đó thay đổi không hề nhẹ. Có thể là do các công nghệ mới ra đời, năng lực của các cá nhân được tăng lên, do số người tham gia vào lĩnh vực này ngày càng nhiều hơn hay do tình hình kinh tế chính trị, xã hội thay đổi trên toàn cầu. Và cũng trong vòng 3 năm nay thôi thì phong trào chuyển đổi số đang trở nên rầm rộ bởi vì ai cũng hiểu rằng chỉ trong vòng 20 năm nữa thôi Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già. Lúc đó thì sẽ có nhiều công việc mà nhiều người không muốn làm, phải chuyển qua cho máy tính hoặc robot.
Tính đến cuối 2021 Việt Nam có khoảng 857,000 doanh nghiệp đang hoạt động. Thông thường một doanh nghiệp sẽ bỏ khoảng 4% doanh thu để đầu tư cho công nghệ thông tin, vậy ta hãy lấy 4% doanh nghiệp thực sự có năng lực chuyển đổi số. Câu chuyện lập trình bây giờ không còn là cái gì đó quá khó nữa rồi, ngay cả đến học sinh lớp 4 giờ cũng biết code. Vấn đề bây giờ đó là các doanh nghiệp muốn chuyển đổi số sẽ tối thiểu cần 1 product owner, người thực sự hiểu được nghiệp vụ của doanh nghiệp, có khả năng giao tiếp được với lập trình viên và hỗ trợ vận hành được hệ thống công nghệ thông tin. Nếu vậy Việt Nam sẽ cần tối thiểu là 34,280 (PO).
Không tìm thấy số liệu ở Việt Nam, nhưng tham khảo một trang ở Mỹ thì có khoảng 49,232 business analyst PO trong 30 triệu profile. Hiện cũng có khoảng 158,803 chứng chỉ PSPO1 đã được cấp bởi scrum.org. Và cũng rất thú vị khi phụ nữ cũng chiếm tỉ trọng lớn trong nghề này. Ngoài ra tuổi đời của PO cũng tương đối cao, đúng là gừng càng già càng cay. Và đây cũng sẽ là lối thoát rất tốt cho những ai đã lớn tuổi và bỗng thấy tương lai của mình trở nên mù mịt.